Chính trị Bỉ

Bài chi tiết: Chính trị Bỉ
Philippe
Quốc vương từ năm 2013

Bỉ có chế độ quân chủ lập hiến và quốc dân, và chế độ dân chủ nghị viện liên bang. Nghị viện liên bang Bỉ gồm có một tham nghị viện (thượng viện) và chúng nghị viện (hạ viện). Thượng viện gồm có 50 thượng nghị sĩ được bổ nhiệm từ nghị viện của các cộng đồng và vùng, cùng 10 thượng nghị sĩ được bầu thêm. Trước năm 2014, hầu hết thành viên Thượng viện được bầu cử trực tiếp. 150 đại biểu của Hạ viện được bầu theo một hệ thống đại diện tỷ lệ từ 11 khu vực bầu cử. Bỉ quy định nghĩa vụ bầu cử và do đó duy trì tỷ lệ cử tri bỏ phiếu vào hàng cao nhất thế giới.[40]

Quốc vương (hiện là Philippe) là nguyên thủ quốc gia, song chỉ được hưởng đặc quyền hạn chế. Ông bổ nhiệm các bộ trưởng cùng thủ tướng theo tín nhiệm của Hạ viện để hình thành chính phủ liên bang. Hội đồng Bộ trưởng gồm không quá 15 thành viên. Hội đồng Bộ trưởng phải gồm một số lượng cân bằng các thành viên nói tiếng Hà Lan và nói tiếng Pháp, thủ tướng có thể được ngoại lệ.[41] Hệ thống tư pháp dựa trên dân luật và có nguồn gốc từ bộ luật Napoléon. Toà huỷ án (Cour de cassation) là toà án cấp cuối cùng, còn Toà chống án (Cour d'appel) dưới đó một cấp.[42]

Văn hoá chính trị

Nghị viện Liên bang Bỉ tại Bruxelles

Các thể chế chính trị tại Bỉ có tính phức tạp, hầu hết quyền lực chính trị được tổ chức xoay quanh nhu cầu đại diện cho các cộng đồng văn hoá chủ yếu.[43]

Kể từ khoảng năm 1970, các chính đảng quốc gia quan trọng tại Bỉ bị phân chia thành các bộ phận riêng biệt, chủ yếu đại diện cho các lợi ích chính trị và ngôn ngữ của các cộng đồng tương ứng.[44]Các chính đảng chủ yếu trong mỗi cộng đồng gần với chính trị trung dung, song vẫn được phân thành ba nhóm chính: Dân chủ Cơ Đốc giáo, Tự do và Dân chủ Xã hội.[45]Các đảng đáng chú ý hơn phát triển mạnh từ giữa thế kỷ trước, chủ yếu xoay quanh chủ đề ngôn ngữ, dân tộc hay môi trường và gần đây có các đảng nhỏ hơn tập trung vào một số tính chất tự do riêng biệt.[44]

Một chuỗi các chính phủ liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo tồn tại suốt từ năm 1958 đã bị phá vỡ vào năm 1999 sau khủng hoảng dioxin lần thứ nhất, đây là một vụ bê bối ô nhiễm thực phẩm quy mô lớn.[46][47][48] Một "liên minh cầu vồng" xuất hiện từ sáu đảng: Tự do, Dân chủ Xã hội và Xanh của Vlaanderen và Pháp ngữ.[49] Sau đó, một "liên minh tía" gồm lực lượng Tự do và Dân chủ Xã hội được hình thành sau khi các Đảng Xanh mất hầu hết ghế trong bầu cử năm 2003.[50]

Chính phủ dưới quyền Thủ tướng Guy Verhofstadt từ năm 1999 đến năm 2007 đạt được cân bằng ngân sách, có một số cải cách thuế, một cải cách thị trường lao động, lên kế hoạch kết thúc sử dụng năng lượng hạt nhân và đưa ra khung pháp lý cho phép truy tố nghiêm ngặt hơn tội phạm chiến tranh và khoan dung hơn đối với sử dụng ma tuý nhẹ. Những giới hạn nhằm cản trở an tử được giảm bớt và đồng tính tuyến ái được hợp pháp hoá. Chính phủ thúc đẩy ngoại giao tích cực tại châu Phi[51] và phản đối xâm chiếm Iraq.[52] Đây là quốc gia duy nhất không có giới hạn tuổi về an tử.[53]

Liên minh của Verhofstadt đạt được kết quả kém trong bầu cử vào tháng 6 năm 2007, và Bỉ lâm vào khủng hoảng chính trị trong hơn một năm.[54] Nhiều nhà quan sát suy đoán cuộc khủng hoảng có thể khiến nước Bỉ bị phân chia.[55][56][57] Từ 21 tháng 12 năm 2007 đến 20 tháng 3 năm 2008, chính phủ lâm thời của Verhofstadt nắm quyền.[58] Sau đó, chính phủ mới dưới quyền Yves Leterme thuộc phe Dân chủ Cơ Đốc giáo Vlaanderen nhậm chức. Tuy nhiên, đến ngày 15 tháng 7 năm 2008, Leterme tuyên bố nội các từ chức vì không có tiến triển trong cải cách hiến pháp.[58] Đến tháng 12 năm 2008, ông lại đề xuất từ chức trước quốc vương sau một cuộc khủng hoảng quanh việc bán Fortis cho BNP Paribas.[59] Lần này, đề xuất từ chức của ông được chấp thuận và nhân vật cùng đảng là Herman Van Rompuy tuyên thệ làm thủ tướng vào ngày 30 tháng 12 năm 2008.[60]

Sau khi Herman Van Rompuy được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu vào năm 2009, ông đề xuất được từ chức vào ngày 25 tháng 11 năm 2009. Ngay sau đó, chính phủ mới dưới quyền Thủ tướng Yves Leterme tuyên thệ. Đến ngày 22 tháng 4 năm 2010, Leterme lại đề xuất với quốc vương cho nội các của ông từ chức[61] sau khi một đối tác là OpenVLD rút khỏi chính phủ, và được quốc vương chính thức chấp thuận vào ngày 26 tháng 4.[62]

Bỉ tổ chức bầu cử nghị viện vào ngày 13 tháng 6 năm 2010, Đảng N-VA theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Vlaanderen trở thành đảng lớn nhất tại Vlaanderen, còn Đảng Xã hội trở thành đảng lớn nhất tại Wallonie.[63] Cho đến tháng 12 năm 2011, Bỉ nằm dưới quyền chính phủ tạm thời của Leterme do cuộc đàm phán nhằm thành lập chính phủ mới gặp bế tắc. Đến ngày 30 tháng 3 năm 2011, Bỉ lập kỷ lục thế giới về thời gian không có chính phủ chính thức.[64] Đến tháng 12 năm 2011, chính phủ dưới quyền chính trị gia xã hội Wallonie Elio Di Rupo tuyên thệ nhậm chức.

Trong bầu cử liên bang năm năm 2014 (diễn ra đồng thời với bầu cử địa phương), kết quả là Đảng N-VA giành được nhiều cử tri hơn nữa, song liên minh cầm quyền (gồm các thế lực Dân chủ Xã hội, Tự do và Dân chủ Cơ Đốc giáo của Vlaanderen và Pháp ngữ) duy trì thế đa số vững chắc trong Nghị viện. Ngày 22 tháng 7 năm 2014, Quốc vương Philippe bổ nhiệm Charles Michel (MR) và Kris Peeters (CD&V) chỉ đạo thành lập nội các liên bang mới gồm các đảng N-VA, CD&V, Open Vld của Vlaanderen và MR của cộng đồng Pháp ngữ. Đây là lần đầu tiên N-VA nằm trong nội các liên bang, còn phía Pháp ngữ chỉ có MR là đại diện dù đảng này chiếm thế thiểu số tại Wallonie.

Cộng đồng và vùng

Các cộng đồng:
  Cộng đồng Vlaanderen / khu vực tiếng Hà Lan
  Cộng đồng Vlaanderen & Pháp / khu vực song ngữ
  Cộng đồng nói tiếng Pháp / khu vực nói tiếng Pháp
  Cộng đồng nói tiếng Đức / khu vực nói tiếng Đức
Vùng:
  Vùng Vlaanderen / khu vực tiếng Hà Lan
  Bruxelles-Vùng thủ đô / khu vực song ngữ
  Vùng Wallonie / các khu vực tiếng Pháp và Đức

Theo một tập quán có thể truy nguồn gốc từ thời các triều đình Bourgogne và Habsburg,[65] trong thế kỷ XIX, cần phải biết tiếng Pháp nếu muốn thuộc về tầng lớp thượng lưu cai trị, và những người chỉ có thể nói tiếng Hà Lan trên thực tế là những công dân hạng hai.[66] Đến cuối thế kỷ XIX, và tiếp tục sang thế kỷ XX, các phong trào Vlaanderen tiến triển nhằm phản đối tình trạng này.[67]

Cư dân miền nam Bỉ nói tiếng Pháp hoặc các phương ngữ của tiếng Pháp, và hầu hết cư dân Bruxelles tiếp nhận tiếng Pháp làm ngôn ngữ thứ nhất của họ, song người Vlaanderen từ chối làm như vậy và từng bước thành công trong việc đưa tiếng Hà Lan trở thành một ngôn ngữ bình đẳng trong hệ thống giáo dục.[67] Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính trường Bỉ ngày càng chịu sự chi phối bởi quyền tự trị của hai cộng đồng ngôn ngữ chính.[68] Xung đột giữa các cộng đồng nổi lên và hiến pháp được sửa đổi nhằm giảm thiểu tiềm năng xung đột.[68]

Dựa trên bốn khu vực ngôn ngữ được xác định vào năm 1962–63 (tiếng Hà Lan, song ngữ, tiếng Pháp, tiếng Đức), hiến pháp quốc gia liên tục được sửa lại vào năm 1970, 1980, 1988 và 1993 nhằm tạo thành một hình thức nhà nước liên bang độc nhất với quyền lực chính trị tách biệt thành ba cấp:[69][70]

  1. Chính phủ liên bang đặt tại Bruxelles.
  2. Ba cộng đồng ngôn ngữ:
  3. Ba vùng:

Các khu vực ngôn ngữ theo hiến pháp sẽ xác định ngôn ngữ chính thức trong các khu tự quản của họ, cũng như giới hạn địa lý của các thể chế được cấp quyền về các công việc cụ thể.[71] Mặc dù điều này cho phép có bảy nghị viện và chính phủ, song khi các cộng đồng và vùng được hình thành vào năm 1980, các chính trị gia Vlaanderen quyết định sáp nhập cả hai.[72] Do đó người Vlaanderen chỉ có một thể chế cơ quan và chính phủ duy nhất được cấp quyền trong toàn bộ các vấn đề theo thẩm quyền.

Biên giới chồng chéo của các vùng và cộng đồng tạo ra hai nơi đặc biệt: Lãnh thổ Bruxelles-Vùng thủ đô (tồn tại sau các vùng khác gần một thập niên) thuộc cả hai cộng đồng Vlaanderen và Pháp, còn lãnh thổ của Cộng đồng nói tiếng Đức hoàn toàn nằm trong Vùng Wallonie. Xung đột về thẩm quyền giữa các thể chế được giải quyết thông qua Toà án Hiến pháp Bỉ. Cấu trúc được dự tính là một thoả hiệp nhằm cho phép các nền văn hoá khác biệt cùng tồn tại hoà bình.[11]

Phân cấp thẩm quyền

Thẩm quyền của liên bang gồm có tư pháp, phòng thủ, cảnh sát liên bang, an sinh xã hội, năng lượng hạt nhân, chính sách tiền tệ và nợ công, và các khía cạnh khác của tài chính công. Các công ty quốc hữu gồm có Tập đoàn Bưu chính Bỉ (Bpost) và Công ty Đường sắt Quốc gia Bỉ (SNCB/NMBS). Chính phủ liên bang chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của Bỉ và của các thể chế liên bang trước Liên minh châu Âu và NATO. Họ kiểm soát một bộ phận đáng kể trong y tế công cộng, nội vụ và ngoại vụ.[73] Ngân sách (không tính nợ) do chính phủ liên bang kiểm soát chiếm khoảng 50% thu nhập công khố quốc gia. Chính phủ liên bang sử dụng khoảng 12% công vụ viên.[74]

Các cộng đồng thi hành thẩm quyền trong ranh giới định lý xác định dựa theo ngôn ngữ, ban đầu chúng có định hướng là các cá nhân của một ngôn ngữ cộng đồng, gồm văn hoá (bao gồm truyền thông nghe nhìn), giáo dục và sử dụng ngôn ngữ thích hợp. Sau đó, mở rộng đến các vấn đề cá nhân ít có liên quan trực tiếp đến ngôn ngữ, gồm chính sách y tế (trị bệnh và phòng bệnh) và trợ giúp cho các cá nhân (bảo hộ thanh thiếu niên, phúc lợi xã hội, hỗ trợ gia đình hay dịch vụ giúp đỡ người nhập cư.).[75]

Các vùng có thẩm quyền trên các lĩnh vực có thể liên kết rộng rãi đến lãnh thổ của họ, gồm có kinh tế, việc làm, nông nghiệp, chính sách nước, nhà ở, công trình công cộng, năng lượng, giao thông, môi trường, quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo tồn tự nhiên, tín dụng và ngoại thương. Họ giám sát các tỉnh, khu tự quản và các công ty công ích liên cộng đồng.[76]

Trong một số lĩnh vực, mỗi cấp lại có nhiều mức độ tiếp cận khác nhau với các vấn đề riêng biệt. Chẳng hạn như trong giáo dục, quyền tự trị của các cộng đồng không bao gồm quyền quyết định về khía cạnh bắt buộc hay được phép định ra các yêu cầu tối thiểu về trao bằng cấp, chúng vẫn là công việc của liên bang.[73] Mỗi cấp chính quyền có thể tham gia vào nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế có liên hệ với quyền lực của họ. Quyền chế định các hiệp ước của chính phủ các vùng và cộng đồng tại Bỉ ở mức rộng rãi nhất so với các đơn vị liên bang trên thế giới.[77][78][79]

Ngoại giao

Do có vị trí trung tâm tại Tây Âu, trong quá khứ Bỉ nằm trên tuyến đường tiến quân của các đội quân xâm lược đến từ các láng giềng hùng mạnh. Do biên giới của Bỉ hầu như không có khả năng phòng thủ, nên quốc gia này có truyền thống về chính sách hoà giải nhằm tránh bị các cường quốc hùng mạnh lân cận thống trị. Điều đình giữa các cường quốc châu Âu chấp thuận cho thành lập nước Bỉ vào năm 1831 với điều kiện quốc gia này duy trì tính trung lập nghiêm ngặt. Chính sách trung lập của Bỉ kết thúc sau khi quốc gia này bị Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong những năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Bỉ cố gắng trở lại chính sách trung lập, song sau đó vẫn bị Đức xâm chiếm. Năm 1948, Bỉ ký kết Hiệp ước Bruxelles với Anh, Pháp, Hà Lan và Luxembourg, và một năm sau trở thành một trong các thành viên sáng lập của Liên minh Đại Tây Dương.

Người Bỉ mạnh mẽ tán thành nhất thể hoá châu Âu, và hầu hết các khía cạnh trong chính sách ngoại giao, kinh tế và mậu dịch của quốc gia này được điều phối thông qua Liên minh châu Âu có trụ sở tại Bruxelles. Ngoài ra, Bỉ còn có trụ sở của Ủy ban châu Âu, Hội đồng Liên minh châu Âu và các phiên họp của Nghị viện châu Âu. Liên minh thuế quan hậu chiến của Bỉ với Hà Lan và Luxembourg mở đường cho việc thành lập Cộng đồng châu Âu (tiền thân của Liên minh châu Âu). Tương tự, việc bãi bỏ kiểm soát biên giới nội bộ Benelux là một hình mẫu cho Hiệp ước Schengen có quy mô rộng hơn, nhằm mục đích chính sách thị thực chung và di chuyển tự do của nhân dân qua biên giới chung. Người Bỉ nhận thức được vai trò nhỏ bé của họ trên trường quốc tế, họ tán thành mạnh mẽ củng cố nhất thể hoá kinh tế và chính trị trong Liên minh châu Âu. Bỉ tích cực tìm cách cải thiện quan hệ với các chế độ dân chủ mới tại Trung và Đông Âu thông qua các diễn đàn như OSCE, các thoả thuận liên quan của EU, và Quan hệ Đối tác vì Hoà bình của NATO.

Một đặc điểm khác thường của chủ nghĩa liên bang Bỉ là việc các cộng đồng và vùng của Bỉ duy trì các quan hệ quốc tế riêng của họ, bao gồm ký kết các hiệp ước. Do đó, có một số thể chế quốc tế Hà Lan-Vlaanderen như Liên minh tiếng Hà Lan hoặc các thể chế kiểm soát sông Scheldt, trong đó chỉ có Vlaanderen tham gia. Tương tự như vậy, chỉ có Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp tham gia Cộng đồng Pháp ngữ. Bỉ duy trì các quan hệ đặc biệt với các cựu thuộc địa của họ là Cộng hoà Dân chủ Congo, Rwanda và Burundi, song thường có sóng gió.

Quân đội

Bài chi tiết: Quân đội Bỉ

Các lực lượng vũ trang Bỉ gồm khoảng 47.000 binh sĩ tại ngũ. Năm 2010, ngân sách quốc phòng của Bỉ đạt tổng cộng 3,95 tỉ euro (chiếm 1,12% GDP).[80] Họ được tổ chức thành một cấu trúc thống nhất gồm bốn thành phần: Lục quân, Không quân, Hải quân và Quân y. Quyền chỉ huy điều hành bốn binh chủng thuộc về Bộ tham mưu về hành quân và huấn luyện thuộc Bộ Quốc phòng, đứng đầu là Phó tham mưu trưởng hành quân và huấn luyện, và thuộc về Tổng tư lệnh Quốc phòng (Chef de la Défense).[81]

Ảnh hưởng từ Chiến tranh thế giới thứ hai khiến cho an ninh tập thể là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Bỉ. Bỉ ký kết Hiệp ước Bruxelles và gia nhập NATO vào năm 1948. Tuy nhiên, công việc nhất thể hoá lực lượng vũ trang vào NATO chỉ bắt đầu từ sau Chiến tranh Triều Tiên.[82] Bỉ cùng với Luxembourg phái một phân đội tiểu đoàn đi chiến đấu tại Triều Tiên với tên gọi là Bộ tư lệnh Liên Hiệp Quốc Bỉ. Đây là sứ mệnh đầu tiên trong số các sứ mệnh của Liên Hiệp Quốc được Bỉ hỗ trợ. Hiện nay, Hải quân Bỉ hoạt động gắn bó mật thiết với Hải quân Hà Lan theo quyền chỉ huy của Đô đốc Benelux.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bỉ http://www.abc.net.au/news/newsitems/200508/s14359... http://www.ulg.ac.be/cms/c_36320/photographies-fol... http://www.emploi.belgique.be/WorkArea/DownloadAss... http://www.Belgium.be/ http://www.belgium.be/en/about_belgium/country/bel... http://www.belgium.be/en/about_belgium/government/... http://www.belgium.be/en/about_belgium/government/... http://www.belgium.be/en/about_belgium/government/... http://www.belgium.be/en/about_belgium/government/... http://www.belgium.be/en/about_belgium/government/...